Y học ngày càng phát triển thì càng nhiều phương pháp điều trị mới được tìm ra đem lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh phải chịu nhiều tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi, khó thở, thay đổi khẩu vị, chán ăn, đau đớn ở khu vực xạ trị hoặc phẫu thuật; suy giảm miễn dịch do khi điều trị hoá xạ trị các tế bào lành cũng bị tiêu diệt. Bệnh nhân nếu không kịp thời bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch bị suy yếu trong quá trình điều trị sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng sức khoẻ suy kiệt, không tiếp tục dung nạp được thức ăn và có nguy cơ không đáp ứng được phác đồ điều trị lâu dài.

Nguy cơ bị suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung phổi khoảng từ 40% đến 80%. Tỷ lệ này phụ thuộc vào mô bệnh học khối u, vị trí khối u, giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị đã sử dụng. Tình trạng dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng cục bộ của khối u, đáp ứng miễn dịch của cơ thể với khối u và hiệu quả của các phương thức điều trị khác.

1. Tại sao phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư phổi?

Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư có sự khác biệt so với người bình thường. Họ cần tăng cường miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng ung thư phổi, làm cho chúng tồi tệ hơn hoặc trở nên tốt hơn. Vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng cho bệnh nhân mắc ung thư phổi là vô cùng cần thiết!

2. Mục tiêu dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bệnh nhân mắc ung thư phổi là khác nhau. Nhu cầu này dựa trên chiều cao và cân nặng hiện tại của bệnh nhân, kế hoạch điều trị và các bệnh nền sẵn có của bệnh nhân, ví dụ như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Dưới đây là một số mục tiêu dinh dưỡng cần lưu ý dành cho bệnh nhân ung thư phổi:

  • Duy trì cân nặng ổn định: Điều này có nghĩa là ăn đủ lượng calo để tránh sụt cân. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định lượng calo cần thiết để duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu cơ thể như protein, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và nước.
  • Tránh các loại thực phẩm làm cho bệnh ung thư phổi của bạn trở nên tồi tệ hơn. Một số loại thực phẩm làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy, táo bón và lở loét miệng.

 3. Bệnh nhân ung thư phổi cần tránh xa những gì?

  • Nếu bệnh nhân có nhiều đờm trắng dạng bọt, dễ nhổ ra, kèm theo rêu lưỡi trắng, nhầy thì nên kiêng ăn các món nhiều mỡ động vật, nội tạng, hải sản, lạc.
  • Nếu trong đờm có lẫn máu tươi hoặc máu cục, bệnh nhân cần kiêng các thức ăn thô ráp, đồ rán, nướng, quay, hun… vì nó có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản hay dạ dày vốn đã không khỏe mạnh do ung thư.
  • Người bệnh nên hạn chế các thức ăn béo ngậy, cay (hạt tiêu, bột hạt cải, bột cari, ớt, rượu), đồ hun nướng.
  • Tránh các thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tránh thức ăn và đồ uống có hàm lượng calo thấp hoặc không bổ dưỡng.
  • Nhiều bệnh nhân ung thư phổi bị rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh nhân bị bụng trướng, đại tiện lỏng thì phải hạn chế hoặc kiêng dùng sữa bò, đường, dưa muối, trái cây sống lạnh, dầu mỡ ngậy béo.
  • Nếu bệnh nhận sử dụng các thuốc bổ như nhân sâm thì cần kiêng ăn cải củ hay uống trà đặc.
  • Bệnh nhân ung thư phổi cần chú ý không ăn quá nhiều thịt và chất tanh.
  • Kiêng thuốc lá: Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. Khói thuốc chứa hơn 40 hóa chất độc hại có thể dẫn đến ung thư, trong đó không thể không kể đến nicotin. Nicotin gây ra sự kích thích có hại đối với phổi và khí-phế quản, nhất là đối với những trường hợp đang ủ bệnh ung thư. Nó khiến niêm mạc đường hô hấp tăng tiết dịch, tích tụ đờm cùng các chất gây ung thư .Không chỉ vậy, hút thuốc làm giảm hàm lượng vitamin ở từng bộ phận của đường hô hấp khiến các tế bào ung thư khuếch tán nhanh hơn, bệnh tình nặng hơn.
  • Dùng thực phẩm chức năng với chỉ định của bác sĩ: Các loại thuốc cung cấp vitamin liều cao có thể gây giảm tác dụng của hóa trị. Bệnh nhân có thể cần bổ sung vitamin nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.

4. Thức ăn nên bổ sung cho bệnh nhân ung thư phổi

  • Bổ sung nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như Vitamin C và vitamin E

Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C và vitamin E

  • Nên ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh
  • Nên ăn uống các thức ăn ôn hòa, giàu dinh dưỡng mà dễ tiêu hóa như thịt lợn nạc, thịt bò hầm suông, cháo hạt sen và ý dĩ.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày hơn là cố gắng ăn thật nhiều trong 3 bữa.
  • Uống 1-2 ly nước ngay sau khi thức dậy: Cơ thể của người bệnh bị mất nước sau khi ngủ và quá trình điều trị cũng có thể gây mất nước. Nên đặt một ly nước đầy trên đầu giường trước khi đi ngủ để tạo thói quen uống nước sau khi thức dậy. Có thể sử dụng trà thảo dược thay cho nước lọc.
  • Cho nước cốt chanh hoặc trái cây tươi vào nước để duy trì sự cân bằng điện giải.
  • Ăn bất cứ khi nào người bệnh cảm thấy đói để tránh hạ đường huyết.
  • Cố gắng ăn các loại thực phẩm tươi sống: ví dụ ăn quả cam tốt hơn nước cam hay sữa tươi vị cam.
  • Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để làm bữa ăn hấp dẫn hơn, kích thích vị giác khi bệnh nhân thấy chán ăn.
  • Hãy thử các bữa ăn lỏng hoặc xay nhuyễn cho các bệnh nhân khó ăn uống, khó thở, đau đớn nhiều do ung thư phổi.
  • Nhiều bệnh nhân mắc ung thư phổi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, khó tiêu, đau dạ dày, táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng. Vì vậy cần ăn nhiều thực phẩm tốt cho tiêu hóa như sữa chua, khoai lang, chuối… Bạc hà và trà gừng cũng góp phần xoa dịu các cơn đau bụng.

* Một số thực phẩm cụ thể tốt cho sức khỏe của bệnh nhân ung thư phổi:

  • Nước dừa: Trong nước dừa có ít carbohydrate và natri nhưng chứa nhiều nhiều kali, bổ sung chất điện giải bị mất trong quá trình điều trị ung thư phổi
  • Chuối: Chuối chứa carbohydrates phức tạp để nhanh chóng phục hồi năng lượng trong và sau khi điều trị. Chất xơ có trong chuối giúp bệnh nhân cảm thấy no lâu hơn và giúp thúc đẩy tiêu hóa.
  • Cây gai dầu: Trong cây gai dầu có tất cả chín axit amin thiết yếu cấu thành nên các protein dễ tiêu hóa nhất giúp cơ thể dễ dàng sử dụng và đáp ứng nhu cầu sửa chữa DNA của tế bào.
  • Bột cacao nguyên chất: Đây là một nguồn cung cấp magie, chất xơ và chất chống oxy hóa bao gồm flavanol và polyphenol, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Ngoài ra, bột cacao còn kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cải thiện lưu thông và thư giãn cơ bắp, tăng cường giải phóng serotonin của cơ thể, hormone hạnh phúc, giảm lo âu, cải thiện tâm lý của bệnh nhân ung thư phổi.
  • Bạc hà: Bạc hà hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm rối loạn tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu giúp cung cấp dinh dưỡng cho tế bào.

5. Chuẩn bị thức ăn an toàn cho bệnh nhân ung thư phổi

Bệnh nhân mắc ung thư phổi có hệ thống miễn dịch suy yếu so với bình thường dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hay nhiễm khuẩn cao hơn. Vì vậy cần thực hiện theo các hướng dẫn sau đây để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh nhiễm khuẩn cho bệnh nhân ung thư:

  • Rửa tay kỹ trước khi ăn
  • Rửa kỹ thực phẩm, rau quả
  • Cẩn thận trong việc xử lý thịt sống, cá, gia cầm và trứng
  • Làm sạch bất cứ thứ gì đã chạm vào thịt sống
  • Nấu thức ăn đến nhiệt độ thích hợp và uống đồ uống tiệt trùng
  • Bảo quản thực phẩm ngay ở nhiệt độ thấp để giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn
  • Tránh các loại thực phẩm có khả năng bị nhiễm khuẩn như sushi hoặc thịt chưa nấu chín

6. Liệu pháp dinh dưỡng sau điều trị ung thư phổi.

Hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi đều gặp tác dụng phụ của điều trị sau đây: ăn mất ngon, khô miệng, khó nuốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, mất nước, giảm cân và cơ, suy nhược cơ thể, thay đổi vị giác và khứu giác.

Những tác dụng phụ này gây khó chịu đến bệnh nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, lâu dần không còn có ý muốn tiếp tục ăn uống. Dưới đây là những lời khuyên quan trọng để giúp người bệnh ăn uống ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng khi trải qua các tác dụng phụ của điều trị::

  • Bổ sung đầy đủ protein, carbohydrate và chất béo trong mỗi bữa ăn, qua đó cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình điều trị.
  • Cố gắng tránh thực phẩm chế biến sẵn, thường xuyên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đặc biệt là các loại rau có màu xanh sẫm.
  • Cố gắng tránh thức ăn chiên, thức ăn có chứa nhiều đường và hạn chế lượng muối ăn vào.
  • Tập trung vào các món ăn nhẹ giàu protein: trứng luộc chín, quả hạch, hạt, bơ hạt/bơ đậu phộng.
  • Thường xuyên nhâm nhi nước suốt cả ngày để duy trì độ ẩm ngậm nước.

Đối với bệnh nhân ung thư phổi đang trải qua điều trị tích cực và không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bằng con đường ăn uống tự nhiên, bác sĩ điều trị cần đề xuất các lựa chọn thay thế, bao gồm ăn qua sonde dạ dày (ống dẫn thức ăn lỏng vào thẳng dạ dày qua đường miệng hoặc mũi)

  • Bệnh nhân ung thư cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ sau khi phẫu thuật bởi căng thẳng và buồn nôn đều có thể làm tăng nồng độ đường trong máu.
  • Nên dùng thức ăn lạnh hơn bình thường một chút nếu bệnh nhân cảm thấy buồn nôn vì thức ăn lạnh không có mùi mạnh giúp hạn chế cảm giác buồn nôn. Đồ lạnh cũng ít hòa tan chất béo hơn, làm giảm triệu chứng chướng bụng, khó tiêu vì chất béo tiêu hóa lâu hơn.
  • Cần chủ động phòng tránh táo bón cho bệnh nhân sau điều trị ung thư phổi vì táo bón có thể gây tăng áp lực ổ bụng, đau tức bụng và nguy hiểm nhất là bục vết mổ ở bệnh nhân mới phẫu thuật cắt u. Để phòng tránh táo bón, người bệnh nên ăn bổ sung thực phẩm có chứa chất xơ như bắp cải, súp lơ, ngô, táo, các loại đậu đỗ,..

7. Kết luận

Danh y Hypocrat – ông tổ của nền y học hiện đại, đã viết: “Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng”.  Ông đánh giá cao vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và dinh dưỡng phải là một phương pháp chữa bệnh. Vì vậy, cần phải quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư, chọn thức ăn về chất lượng và số lượng phù hợp với thể trạng của bệnh nhân và giai đoạn của ung thư. Cần bổ sung thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn làm trầm trọng tình trạng bệnh.

Ung thư là một cuộc chiến lâu dài đòi hỏi bệnh nhân phải có đủ sức và lực để chiến đấu. Bổ sung thực phẩm tốt cho cơ thể cũng là một trong những vũ khí để tăng sức chiến đấu, đồng thời cũng là một trong những vị thuốc tinh thần giúp bệnh nhân có thêm niềm tin trong quá trình điều trị bệnh.

  • Tài liệu tham khảo

http://www.lung.org/lung-health-and-diseases/lung-disease-lookup/lung-cancer/patients/treatment/stay-healthy/nutrition.html

http://lungcancernutrition.com/A%20Practical%20Guide%20to%20Lung%20Cancer%20Nutritional%20Care.pdf

http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-lam-sang/tam-quan-trong-va-vai-tro-cua-an-dieu-tri.html

 

uvinca uvinca uvinca uvinca

Bài mới nhất